Năm 2011 Hưng Thịnh vào Top 500 DN phát triển nhanh nhất của FAST 500

Ngày 21/2/2012, Vietnam Report và báo VietNamNet chính thức công bố Bảng xếp hạng FAST 500 năm 2011.
Bảng xếp hạng FAST 500 nhằm tìm kiếm và tôn vinh những doanh nghiệp có hiệu quả và tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế Việt Nam. Bảng xếp hạng FAST 500 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học, độc lập và tuân theo chuẩn mực quốc tế. Đây là năm thứ hai liên tiếp, Bảng xếp hạng FAST 500 được nghiên cứu và công bố.
Các Bảng xếp hạng FAST 500 và Top 10 của các Bảng xếp hạng được cập nhật trong bốn năm 2007, 2008, 2009, 2010 và thứ hạng doanh nghiệp được sắp xếp dựa trên tiêu chí tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của doanh thu trong giai đoạn 2007-2010. Các chỉ tiêu tổng tài sản, lợi nhuận, số lao động tại doanh nghiệp cũng được tính toán trong quá trình xếp hạng.
Để được xem xét xếp hạng vào BXH FAST500, tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp trong giai đoạn 2007-2010 (CAGR) phải đạt tối thiểu 30%/năm.
Bên cạnh Bảng xếp hạng TOP 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (Bảng 1), Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (Bảng 2). Tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp SMEs được Vietnam Report sử dụng dựa trên quy định tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiêu chí có tổng tài sản cập nhật đến 31/12/2010 nhỏ hơn 100 tỷ đồng.
![]() |
Qua Bảng xếp hạng FAST500 năm 2011 có thể nhận thấy nhiều tín hiệu đáng mừng, nhất là trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam có nhiều khó khăn.
Thứ nhất, các doanh nghiệp FAST 500 đã đương đầu khá tốt với những bất trắc và khó khăn của bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới.
Tuy đà tăng trưởng của top 50 và top 100 doanh nghiệp FAST 500 có đôi chút giảm tốc trong BXH năm nay, nhưng về tổng thể, 500 doanh nghiệp FAST 500 vẫn duy trì đà tăng trưởng cao đầy ấn tượng.
500 doanh nghiệp FAST 500 có tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2007 - 2010 đạt 57% (BXH FAST 500 năm trước đạt 54%). Trong đó, TOP 50 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất đạt tốc độ tăng trưởng 127% (BXH FAST 500 năm trước đạt 160%); TOP 100 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất đạt tốc độ tăng trưởng 94% (BXH FAST500 năm trước đạt 112%).
Thứ hai, Bảng Xếp hạng FAST 500 đã hé lộ rõ hơn đâu là cốt lõi của sức mạnh tăng trưởng và sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam. Đó chính là khu vực kinh tế tư nhân.
Trong Bảng xếp hạng FAST 500 năm nay, các doanh nghiệp tư nhân vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo với tỷ lệ 71,6%, so với 22,2% DNNN xuất hiện trong bảng.
Đồng thời, các doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng cũng là những doanh nghiệp đầy khát vọng và cam kết đầu tư dài hạn. Theo số liệu khảo sát của Vietnam Report vào tháng 1 năm 2012 cho thấy vẫn có tới trên 70% các doanh nghiệp tư nhân FAST500 dự kiến sẽ tăng đầu tư và mở rộng sản xuất trong năm 2012. Nhiều doanh nghiệp FAST 500 tiếp tục lạc quan rằng tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2012 và 2013 sẽ vẫn được duy trì ở mức cao.
Lực lượng doanh nghiệp trẻ và năng động này sẽ là sức ép thúc đẩy, và đôi khi là tác nhân tiêu diệt các ông lớn già cỗi và độc quyền. Đó chính là "sự hủy diệt có tính sáng tạo" của cạnh tranh thị trường, về trung và dài hạn mang lại hiệu ứng tích cực cho sức cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Thứ ba, tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp trong bảng xếp hạng FAST 500 2011 là 313.128 lao động, một sự cải thiện đáng kể so với con số 276.318 của BXH FAST 500 năm 2010.
Như vậy, các doanh nghiệp FAST 500 - với nhiều doanh nghiệp doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất thực như chế tác, nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu - vẫn tiếp tục là cỗ máy tạo việc làm cho nền kinh tế. Điều này nhấn mạnh thêm vai trò quan trọng không chỉ về kinh tế, mà còn về xã hội, của các doanh nghiệp tăng trưởng trong nền kinh tế Việt Nam - đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn ngoài FAST 500 hoạt động trong các ngành chứng khoán và bất động sản phải cắt giảm nhân sự hàng loạt.
Thứ tư, về cơ cấu ngành, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành Công nghiệp chế biến chế tạo và sản xuất và Xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong FAST 500 với khoảng 29%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lại chiếm phần lớn về tổng doanh thu trong Bảng xếp hạng.
Một điểm sáng về tăng trưởng trong bảng xếp hạng năm nay là các doanh nghiệp trong lĩnh vực Nông lâm thủy sản có mức tăng trưởng bình quân khá cao với CAGR trên 50%, tương đương với con số bình quân của các doanh nghiệp trong ngành sản xuất thép và ngành dịch vụ và thuộc top những ngành tăng trưởng cao nhất.
Thứ năm, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn là hai trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước, khi các doanh nghiệp tại hai trung tâm kinh tế lớn nhất nước chiếm tới quá nửa số doanh nghiệp FAST 500, lần lượt là 144 doanh nghiệp (29%) và 120 doanh nghiệp (24%). Điểm đặc biệt là một số tỉnh điều kiện kinh tế khó khăn cũng có số doanh nghiệp FAST 500 khá lớn như Nghệ An (9 doanh nghiệp) hay Daklak (7 doanh nghiệp). Trong khi đó, thành phố Đà Nẵng chỉ có 5 doanh nghiệp lọt vào FAST 500.
Thứ sáu, Bảng Xếp hạng FAST 500 năm nay đã có nhiều bất ngờ thú vị, khi nhiều doanh nghiệp ít xuất hiện trên truyền thông, ít được các nhà đầu tư chú ý nhưng lại là những doanh nghiệp có thăng tiến đầy hứa hẹn như Công ty cổ phần tập đoàn Thái Hòa, Công ty cổ phần Din Co, Công ty Massan, DNTN Rau Quả, TMG, Gas Ngọn lửa thần...
Xem chi tiết tại đây
( Cao su Hưng Thịnh )